(Thị trường) – Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành một xu thế tất yếu, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới, đầu tư và thích ứng với những yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Nếu hành động chậm trễ có thể khiến họ đánh mất vị thế cạnh tranh và cơ hội phát triển.
Nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia “cuộc chơi” thương mại điện tử
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ các số liệu đáng chú ý về sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2023. Theo đó, 53% doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử, trong khi 47% lựa chọn sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng. Đặc biệt, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm từ 10% đến 30% tổng giá trị xuất nhập khẩu của họ. Tỷ trọng giao thương qua thương mại điện tử giữa các quốc gia cũng rất đáng quan tâm, với Hàn Quốc chiếm 45%, Nhật Bản 40%, và Trung Quốc 38%.
Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam ghi nhận, trong năm qua, hơn 17 triệu sản phẩm từ các doanh nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng thể, thương mại điện tử xuyên biên giới đạt mức tăng trưởng 26% so với năm trước.
Thực tế cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng doanh số nhanh chóng đến việc khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Đồng thời, đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận phản hồi khách hàng một cách trực tiếp, cải tiến sản phẩm kịp thời và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong việc đối phó với tính thời vụ của thị trường.
Dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Dương Như Đức, Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã và đang ghi dấu ấn trong lĩnh vực sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp. Các sản phẩm chủ lực như phân lân nung chảy và phân bón NPK của công ty đã tiếp cận được nhiều thị trường lớn, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Đức, tiềm năng để doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu là rất lớn. Công ty đang tận dụng lợi thế từ các sàn thương mại điện tử để kết nối với các thị trường quốc tế mới. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng việc mở rộng thị trường không chỉ dừng lại ở kênh phân phối mà cần đi đôi với chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này bao gồm việc gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong các dòng phân bón và đảm bảo đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
Ngoài ra, việc giảm chi phí sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là mục tiêu quan trọng. Công ty đang chú trọng đầu tư vào công nghệ hiện đại, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phát triển các sản phẩm chất lượng cao để không chỉ củng cố vị trí tại thị trường truyền thống mà còn thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng.
Ông Dương Phụ Hàn, Giám đốc Công ty TNHH VIETIMEX chia sẻ, nhờ tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba, nhiều đối tác quốc tế đã chủ động kết nối kinh doanh với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế khi giao dịch lớn qua sàn, như mức phí cao và giới hạn giá trị giao dịch đã khiến việc thực hiện các giao dịch quy mô lớn chưa thực sự thuận tiện. Dù vậy, ông nhận định thương mại điện tử vẫn là kênh quan trọng để doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế.
Nỗ lực khắc phục các điểm yếu của doanh nghiệp
Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới và Đông Nam Á, quy mô TMĐT Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD vào năm 2023 và được dự báo sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025, nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội này. Nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vẫn đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai TMĐT xuyên biên giới. Các hạn chế về kiến thức, kỹ năng số, năng lực cạnh tranh cùng những thách thức về rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, và thanh toán đang là những trở ngại lớn, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể bứt phá trong cuộc chơi toàn cầu.
Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thường thiếu nguồn lực để cạnh tranh với các công ty lớn, cả về giá cả lẫn chất lượng dịch vụ. Việc thu thập và phân tích dữ liệu thị trường quốc tế cũng là một trở ngại lớn, khiến họ khó hiểu rõ nhu cầu khách hàng.
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương (Indochina), chia sẻ rằng từ khi bắt đầu kinh doanh trên Alibaba.com vào năm 2015, bà nhận thấy thương mại điện tử là phương thức hiệu quả. Tuy nhiên, Indochina cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như xây dựng niềm tin với khách hàng quốc tế, xử lý thanh toán và bảo mật thông tin, cùng các vấn đề liên quan đến logistics và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các khó khăn khác như sự khác biệt múi giờ, rào cản ngôn ngữ, và sự đa dạng về thị hiếu khách hàng cũng là những trở ngại lớn mà doanh nghiệp cần vượt qua để thành công trên thị trường toàn cầu.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khuyến nghị các doanh nghiệp Việt muốn đẩy mạnh xuất khẩu nên tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín để nhận được hỗ trợ hiệu quả, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm, hợp tác với đối tác bản địa để hỗ trợ logistics và chăm sóc khách hàng. Việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, nghiên cứu kỹ các quy định pháp lý của thị trường nước sở tại, và tận dụng các chương trình hỗ trợ từ Bộ Công Thương cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.
Ông Yap Kwong Weng, CEO của Việt Nam SuperPort, nhận định rằng hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn vốn FDI và các khoản đầu tư công. Những yếu tố này tạo ra triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc – ba đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam – sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng số, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Theo giới chuyên gia, để phát triển TMĐT xuyên biên giới, logistics là yếu tố then chốt. Việc vận chuyển chậm trễ sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp Việt cần cải thiện năng lực logistics, khai báo hải quan hiệu quả, đồng thời tập trung đào tạo nhân lực để tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiểu rõ nhu cầu thị trường quốc tế.
Source: https://daidoanket.vn/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-co-hoi-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-10295758.html